Lượt xem: 1127
07 Tiêu chí Giải thưởng chất lượng Quốc gia
Tiêu chí Giải thưởng chất lượng Quốc gia - Bộ Tiêu chí giúp nâng tầm doanh nghiệp, được xem là công cụ giúp các doanh nghiệp tìm hiểu về điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình.

Giải thưởng Chất lượng quốc gia (GTCLQG) là Giải thưởng duy nhất về năng suất và chất lượng do Thủ tướng Chính phủ quyết định và trao tặng cho các doanh nghiệp. Qua 24 năm hình thành và phát triển, GTCLQG đã thu hút sự quan tâm và tạo uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng. Giải thưởng đã tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Tính đến nay đã có 1.914 lượt doanh nghiệp đạt GTCLQG, trong đó có 240 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Vàng Chất lượng quốc gia. Điều đó cho thấy Chính phủ luôn ghi nhận một cách xứng đang các doanh nghiệp thành công về năng suất và chất lượng.

Để các doanh nghiệp có cơ hội nhận thức rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, từ đó có những biện pháp đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình,… Các doanh nghiệp cần áp dụng có hiệu quả mô hình hoạt động theo các tiêu chí GTCLQG, đây là mô hình quản trị hoàn hảo để doanh nghiệp làm căn cứ thực hiện và quản lý tốt các hoạt động của mình.

Khi tiếp cận và tham gia Giải thưởng, doanh nghiệp tự đánh giá và hoàn thiện theo 07 tiêu chí của Giải thưởng, đó là:

Tiêu chí 1 - Vai trò của lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp: Tiêu chí này đề cập cách thức các lãnh đạo cao nhất của  tổ chức chỉ đạo và duy trì hoạt động tổ chức cũng như xem xét việc điều hành tổ chức và việc thực hiện các trách nhiệm về pháp lý, đạo đức, xã hội và sự hỗ trợ đối với cộng đồng của tổ chức.

Tiêu chí 2 - Chiến lược hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp: Tiêu chí này đề cập cách thức tổ chức xây dựng mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động, cách thức triển khai và điều chỉnh (nếu có) mục tiêu chiến lược, kế hoạch hành động đã chọn và đo lường việc thực hiện .

Tiêu chí 3 - Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường: Tiêu chí này nêu cách thức tổ chức thực hiện sự gắn bó, cam kết với khách hàng của mình nhằm đạt được thành công dài hạn trên thị trường. Chiến lược gắn kết này cho thấy cách thức tổ chức xây dựng một nền văn hoá định hướng vào khách hàng. Tiêu chí này cũng nêu cách thức tổ chức lắng nghe mong muốn của khách hàng và sử dụng các thông tin này để cải tiến và xác định các cơ hội cải tiến.

Tiêu chí 4 - Đo lường, phân tích và quản lý tri thức: Tiêu chí này đề cập đến cách thức tổ chức lựa chọn, thu thập, phân tích, quản lý và cải tiến dữ liệu, thông tin và tài sản tri thức, quản lý công nghệ thông tin. Tiêu chí này cũng đánh giá việc tổ chức thực hiện việc xem xét và sử dụng việc xem xét này để cải tiến hoạt động của mình.

Tiêu chí 5 - Quản lý, phát triển nguồn nhân lực: Tiêu chí này xem xét cách thức tổ chức quản lý, xây dựng và gắn kết lực lượng lao động của mình như thế nào để sử dụng hết tiềm năng nhằm thực hiện được nhiệm vụ, chiến lược và kế hoạch hành động tổng thể của tổ chức. Tiêu chí này cũng xem xét đến khả năng đánh giá năng lực và nhu cầu về năng suất của lực lượng lao động, khả năng xây dựng một môi trường cho lực lượng lao động nhằm đạt được hiệu quả cao.

Tiêu chí 6 - Quản lý quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp: Tiêu chí này xem xét cách thức tổ chức thiết kế hệ thống làm việc của mình; cách thức tổ chức thiết kế, quản lý và cải tiến các quá trình chính của mình  để thực hiện công việc nhằm đem lại giá trị cho khách hàng, đạt được thành công và sự phát triển bền vững cho tổ chức. Tiêu chí này cũng xem xét sự sẵn sàng của tổ chức đối với các trường hợp khẩn cấp.

Tiêu chí 7 - Kết quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp: Tiêu chí này xem xét kết quả thực hiện và việc cải tiến của tổ chức trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính như: Các kết quả hoạt động về sản phẩm, sự thoả mãn của khách hàng, kết quả tài chính và thị trường, nguồn nhân lực, kết quả tác nghiệp, điều hành và trách nhiệm xã hội. Mức độ kết quả này được so sánh với các kết quả tương ứng của đối thủ cạnh tranh và các tổ chức khác cung cấp  sản phẩm tương tự.

Bảy tiêu chí GTCLQG được chia thành 18 và thể hiện thành hơn 200 câu hỏi chi tiết, bao gồm những khía cạnh hình thành nên các nhân tố thiết yếu giúp mang lại thành công cho các doanh nghiệp. 

(Tổng hợp: theo https://www.most.gov.vn/; Thông tin KH&CN Thanh Hóa số 3/2019).

Văn phòng Sở KH&CN (Trúc Phương)

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... 4 5 6 No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1786291
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: 217 Trần Bình Trọng – Phường 2 – TP Sóc Trăng – Tỉnh Sóc Trăng,
Điện thoại: 0299 3822450, Fax: 0299 3821448 , Email: sokhcn@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 02/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 23/9/2016.